Cân nhắc kĩ trước khi đi làm thêm
Nếu chỉ vì những lí do như: thấy bạn bè đi làm nhiều quá cũng bắt chước, làm thêm để chứng tỏ mình đã lớn… thì teen nên dành thời gian suy nghĩ lại trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi vì, với những lí do này thì bạn chưa thật sự chuẩn bị tâm lí cho việc đi làm thêm mà chỉ bị “thách thức” bởi những áp lực nhất thời. Và một khi chưa xác định được mục đích của việc mình làm, bạn sẽ dễ mất phương hướng, dễ bỏ cuộc, chán chường. Đó cũng là điểm yếu khiến bạn không đề phòng và dễ sập bẫy trước những cơ sở tuyển dụng lừa đảo.
Luôn đề cao cảnh giác để tránh thiệt hại cho bản thân (Ảnh minh hoạ)
Cẩn trọng với những "việc nhàn, lương cao"
Đây là lời nhắc nhở thường trực khi teen vào mùa làm thêm cuối năm. Nhưng cẩn trọng đề phòng thế nào thì chắc hẳn nhiều bạn vẫn chưa biết. Trước hết, teen nên tìm hiểu thông tin về công ty đó qua các phương tiện truyền thông hoặc hỏi bạn bè, người thân. Luôn sáng suốt và cảnh giác để đặt dấu chấm hỏi với sự chênh lệch về lương thưởng và công sức bỏ ra khi tiếp nhận công việc. Công việc nhàn nhã, lương cao sẽ không thể tuyển với số lượng nhiều mà buộc phải có chỉ tiêu và cách thức tuyển dụng thích hợp và thường là phỏng vấn trực tiếp. Bạn vẫn có thể khéo léo từ chối hoặc “giả ngu” khi phát hiện ra điều bất bình thường trong quá trình phỏng vấn.
Cảnh giác cao độ với các khoản thu
Một lưu ý hết sức quan trọng mà teen cần ghi nhớ đó là: không có công ty nào thu phí của ứng viên trong quá trình tuyển dụng, đặc biệt đối với các lao động ngắn hạn dành cho học sinh, sinh viên.
Không ít teen đã rơi vào trường hợp được nhận vào làm nhưng phải “đóng một khoản phí để hoàn tất hồ sơ” và sau đó buộc phải tuân thủ những quy tắc ngặt nghèo của công ty với nỗi ám ảnh “tiền cọc bay mất mà tiền lương cũng chẳng thấy đâu”.
Bạn cần tìm đến các trung tâm hỗ trợ việc làm uy tín (Ảnh minh hoạ)
Trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng
Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần được giải đáp, bạn phải trực tiếp đến hỏi bộ phận tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Ngay cả việc thoả thuận lương hay các điều kiện khác cũng vậy bạn nhé. Việc gặp và tiếp xúc trực tiếp sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng thể, đồng thời phát giác những khe hở bất thường nếu có.
Dừng lại đúng lúc
Một khi đã phát hiện ra những điều bất ổn trong quá trình làm việc thì teen nên tìm cách “rút lui”. Bạn không nên tiếc nuối khoản phí ban đầu mà tiếp tục làm việc để bị bóc lột sức lao động.
Tìm đến những nơi tuyển dụng uy tín
Để tránh tối đa việc “ăn quả lừa” trong mùa làm thêm cuối năm, tốt nhất là bạn hãy tìm đến những trung tâm, những nơi tuyển dụng hoặc tư vấn tuyển dụng có uy tín để được hướng dẫn và cung cấp thông tin.
Nếu bạn đang sinh sống và học tập tại các thành phố lớn, có thể đến ngay Trung tâm hỗ trợ Học sinh, sinh viên của thành phố đó để tìm kiếm thông tin. Bạn có thể hoàn toàn yên tâm vì đây là những cơ sở được thành lập nhằm hỗ trợ mọi mặt đời sống cho học sinh, sinh viên.
Tự nâng cao ý thức và tăng cường cảnh giác sẽ giúp bạn có một mùa làm thêm an toàn. Chúc các bạn thành công!
Theo Dat Viet