Có chỗ còn dùng từ “chịu trách nhiệm xã hội” với ý nghĩa không khác lắm.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) trong ngày tốt nghiệp. ĐHQG là mô hình ĐH được coi là có nhiều quyền tự chủ nhất hiện nay - Ảnh: NHƯ HÙNG
"Tự chủ đứng một mình rất dễ biến thành tự tung tự tác hay tùy tiện vô nguyên tắc. Tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình"
|
Nghĩ kỹ sẽ thấy “tự chịu trách nhiệm” là một đòi hỏi vô nghĩa. Tự chịu trách nhiệm là nghĩa vụ đương nhiên của bất kỳ trường đại học nào. Bởi vì trường đại học là một thực thể pháp lý và là một tổ chức xã hội nên đương nhiên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về mọi quyết định và hành động của mình.
Cho dù trong một hệ thống mà Bộ Giáo dục - đào tạo hay một cơ quan chủ quản nào đấy quyết định thay cho nhà trường những vấn đề đáng lẽ nên do nhà trường tự quyết định thì nhà trường vẫn phải tự chịu trách nhiệm về những vấn đề và kết quả hoạt động của mình. Bộ hay cơ quan chủ quản dù có kiểm soát nhà trường chặt chẽ đến đâu cũng vẫn có hàng trăm, hàng ngàn quyết định ở cấp nhà trường được ban hành trong hoạt động hằng ngày.
Và những quyết định đó sẽ gây ra kết quả hay hậu quả như thế nào thì nhà trường đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước xã hội cũng như trước tất cả các bên liên quan, đặc biệt trước sinh viên và cha mẹ họ, những người đã bán cả cửa nhà ruộng vườn cho con cái theo đuổi việc học hành.
Sở dĩ cách dùng từ sai này tồn tại lâu như thế vì dựa trên một giả định: nhà trường hiện nay chưa được quyền tự quyết định những vấn đề đáng lẽ thuộc thẩm quyền quyết định của mình. Đòi hỏi “tự chịu trách nhiệm” thực chất là đòi hỏi được tự mình quyết định những vấn đề đó. Chính vì vậy cụm từ “tự chịu trách nhiệm” thường gắn chặt với cụm từ “tự chủ”.
Tuy vậy, chúng ta không nên đưa ra thêm một cụm từ thừa. “Tự chủ” tức là “được quyền tự quyết định”, và lẽ đương nhiên đã tự mình quyết định thì phải tự mình chịu trách nhiệm.
Nhưng để hoạt động của trường đại học có hiệu quả và đạt được những mong đợi của xã hội, tự chủ không thể đứng một mình. Tự chủ đứng một mình rất dễ biến thành tự tung tự tác hay tùy tiện vô nguyên tắc. Tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà chúng ta đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý và thực hiện công việc; gắn với nghĩa vụ báo cáo, giải thích, biện minh mọi hậu quả của những việc chúng ta làm.
Khả năng giải trình trách nhiệm được hiểu như năng lực thực hiện nghĩa vụ thông tin đầy đủ, năng lực biện minh hành động của mình trong quá khứ hoặc tương lai và chịu đựng sự trừng phạt nếu như hành động ấy vi phạm các quy tắc đạo đức và pháp lý.
Các trường đại học ở những nước dân chủ phát triển đều công khai minh bạch báo cáo giải trình trách nhiệm hằng năm của mình, trong đó có tất cả số liệu về cơ cấu thu chi của nhà trường. Điều này đã là một nét quan trọng trong văn hóa quản lý của các trường đại học, và là nhân tố không thể thiếu để duy trì niềm tin của công chúng với sự chính đáng trong các hoạt động của nhà trường.
Ở Việt Nam, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường đại học còn rất yếu và cần được đẩy mạnh. Chủ trương “ba công khai” của Bộ
Giáo dục - đào tạo là một sáng kiến đáng hoan nghênh và cần được tiếp tục củng cố. Dù sự chính xác của những thông tin được công khai vẫn còn là một vấn đề, thì việc công bố những thông tin cơ bản về nhà trường như vậy là một bước tiến giúp nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình của mình trước công chúng.
PHẠM THỊ LY