Theo thống kê chưa đầy đủ, tình hình phạm pháp hình sự năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012 có sự gia tăng đáng lo ngại, đặc biệt tập trung ở 3 loại tội: cướp, cướp giật và trộm cắp. Năm 2011, xảy ra 779 vụ, tăng 159 vụ so với năm 2010 (779/620=25,65%). Trong đó, cướp tăng 32 vụ=28%; cướp giật tăng 55 vụ=72,4%; trộm cắp tăng 76 vụ=21,4%. 9 tháng đầu năm 2012 cũng đã xảy ra 671 vụ, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2011 (671/654 vụ). Trong đó, trộm cắp, cướp giật vẫn chiếm tỉ lệ cao, 488/671 vụ, chiếm tới 72,73%.
Sau đây là tóm tắt những nội dung chủ yếu của tài liệu “Một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp và biện pháp phòng ngừa”:
I. Tội phạm cướp
Biện pháp đề phòng
- Không cất giữ, mang theo nhiều tiền bạc, tài sản, trưng diện đồ trang sức có giá trị một cách không cần thiết, hoặc sơ hở.
- Không xuất hiện, đi lại bằng xe máy vào ban đêm ở khu vực vắng người, nguy hiểm, đơn độc và không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
- Xe tắc-xi, xe thồ không nhận chở khách đi đêm đường xa, vào khu vực vắng vẻ mà thiếu sự đề phòng. Chú ý đối tượng lựa xe thồ tốt, trả giá cao và các biểu hiện nghi vấn khác.
- Với những trường hợp cướp gây mê, cần tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, không ăn, uống bất cứ thứ gì do người lạ mời; khi phát hiện những người xung quanh có dấu hiệu bất thường (kể cả người bị hại hoặc đối tượng nghi vấn như: tự nhiên bị mệt, ngất; khi có người ngồi gần bị mệt, ngất bất chợt mà vội vã bỏ đi, …) thì cần gọi to lên và yêu cầu những người có mặt tại đó giúp đỡ nhằm giúp người bị hại và giữ người bị nghi vấn để đưa đến cơ quan chức năng gần nhất xử lý.
- Những cửa hàng kinh doanh tài sản có giá trị: vàng, bạc, đá quý, đồ trang sức, điện thoại di động…, cần lắp đặt các thiết bị bảo vệ: tủ trưng bày lắp kính cường lực; camera theo dõi; khóa chống trộm; chuông báo động…
- Khi gặp trường hợp các đối tượng cướp có vũ khí nguy hiểm như súng, thuốc nổ, dao …, có thể trực tiếp đe dọa đến tính mạng thì không nên vì tiếc tài sản mà phản ứng ngay lập tức, thường sẽ dẫn đến hậu quả thiệt mạng, nên cố gắng chấn tĩnh tìm cơ hội chống trả, bắt giữ đối tượng hoặc cố gắng ghi nhớ đặc điểm của các đối tượng (về con người, phương tiện, công cụ, vũ khí … của đối tượng) để cung cấp cho cơ quan Công an, phục vụ công tác điều tra khám phá.
Vụ án minh họa
Vào ngày 08/08/2012, sau khi bàn bạc và chuẩn bị dao, dây kẽm để thực hiện hành vi cướp tài sản của những người đi xe máy một mình trên đại lộ Nguyễn Tất Thành. Nhóm đối tượng gồm: Hoàng Bảo Ngọc Thanh Quí (sn: 1991) điều khiển xe máy chở Phạm Duy Quang (sn: 1993) và Lê Công Trường (sn: 1996); cả 3 đối tượng đều trú tại Cam An Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa, tạm trú tại căn hộ cho thuê trên đường Lê Hồng Phong, phường Phước Long, Nha Trang. Tên Quý là sinh viên trường Cao đẳng nghề Nha Trang. Bọn chúng chở nhau đến vòng xoay Phước Đồng, Nha Trang để đợi người nào đi xe máy một mình hướng Nha Trang - Cam Ranh thì bám theo, đến đoạn vắng để cướp tài sản. Đến 21 giờ, chúng phát hiện anh Đặng Văn Linh (sn: 1988 - trú: Hòa Do 6B, Cam Phúc Bắc, Cam Ranh) điều khiển xe Nouvo LX 79U2-8952 đi một mình, nên chúng điều khiển xe chạy theo phía sau. Khi đi đến gần Trung tâm đào tạo phi công, thuộc tổ dân phố Nghĩa Cam, phường Cam Nghĩa, Cam Ranh, thì Quí điều khiển xe vượt lên phía trước và ép xe anh Linh vào lề đường, Quang dùng dao kề cổ khống chế anh Linh, Quí dùng dây kẽm trói tay, chân anh Linh lại, sau đó cả bọn cướp xe máy, 02 ĐTDĐ, 01 ví da (có 100USD, giấy tờ xe máy và CMND mang tên anh Đặng Văn Linh ở địa chỉ trên).
II. Tội phạm cướp giật
Biện pháp phòng ngừa:
- Không phô trương, chưng diện nhiều tài sản quý một cách sơ hở. Nhất là ở những nơi đông người: chợ, bến tàu, xe, hoặc trên đường phố.
- Không treo giỏ xách, để giỏ xách, đồ vật có giá trị trên giỏ xe máy, ba-ga xe máy, xe đạp khi đi ngoài đường.
- Cần nâng cao cảnh giác đề phòng cho du khách khi đi bộ mang theo tài sản: camera, túi xách, tài sản có giá trị, ở những trường hợp nêu trên.
- Phụ nữ đi xe máy tay ga không nên treo, máng giỏ xách, mà nên để trong cốp xe.
- Học sinh không để giỏ xách trên giỏ xe đạp, xe đạp điện, mà nên dùng ba-lô.
- Khi đi dạo bộ, cần chú ý bảo vệ giỏ xách, đồ vật: dây chuyền, máy ảnh, điện thoại di động. Ví dụ: không đi bộ dưới lòng đường; hoặc đi sát lề đường nhưng treo giỏ xách bên vai trái (phía lòng đường), vì đối tượng dễ giật được tài sản.
- Không vừa chạy xe, vừa nghe điện thoại di động.
- Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa có giá trị: vàng, đá quý; điện thoại di động, đồng hồ…, cần có các biện pháp cảnh giác, đề phòng thủ đoạn vờ mua hàng, xem hàng rồi ra tay cướp giật.
III. Tội phạm trộm cắp
1. Phương thức, thủ đoạn hoạt động
* Thủ đoạn hoạt động trộm đột nhập:
- Thăm dò nắm tình hình về những sơ hở, thiếu sót trong công tác bảo vệ của các cơ quan, kho tàng, cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn, nhà hàng …, cũng như sơ hở thiếu sót của nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ tài sản. Tìm hiểu về các phương tiện, thiết bị bảo vệ (tường rào, khóa cửa, thiết bị báo động …), lối ra, lối vào, công tác tuần tra canh gác, qui luật đi lại, sinh hoạt của cán bộ nhân dân nơi định lấy tài sản để chọn thời gian gây án cho thích hợp. Bọn tội phạm trộm thường chú ý và phát hiện lợi dụng những sơ hở thiếu sót phù hợp với sở trường, thủ đoạn hoạt động của từng tên, từng ổ nhóm để gây án. Đặc biệt chúng triệt để lợi dụng những sơ hở thiếu sót đã sẵn có, hoặc tạo ra những sơ hở thiếu sót của chủ tài sản để hoạt động.
- Đột nhập vào mục tiêu để gây án: Thủ đoạn đột nhập tùy theo địa điểm trong nhà, ngoài đường, cửa hàng …, tùy theo sơ hở thiếu sót của người có tài sản. Trước khi đột nhập chúng thường rình mò, nghe ngóng động tĩnh rồi mới hành động, nhiều tên thăm dò tìm hiểu chủ nhà hoặc người quản lý tài sản để xem xét trước bằng việc gọi điện thoại (nếu có) bấm chuông hoặc gõ cửa liên tiếp để kiểm tra. Nếu không có ai trả lời điện thoại là chúng biết chủ nhà đi vắng, nếu có người trả lời thì chúng đặt máy xuống hoặc xin lỗi, gọi nhầm máy. Trường hợp bấm chuông gõ cửa nếu có mặt chủ nhà hoặc người trông nom tài sản thì lấy lý do nhầm lẫn để xin lỗi.
- 1số cách đột nhập của tội phạm trộm:
+ Mở hoặc cạy phá khóa (nếu nơi đó dùng khóa đơn giản dễ cạy).
+ Dùng các vật như dao, búa, kìm cộng lực cắt, khoan, tháo bản lề, bẻ khuy khóa.
+ Trèo tường, vượt rào, chui qua cửa sổ, ô thông gió, trèo lên ban công đột nhập vào nhà khi thấy cửa ban công không đóng, dùng đèn khò tác động vào mặt kính làm cho mặt kính nứt vỡ để đột nhập.
+ Đào tường, khoét ngạch, dỡ ngói, đột nhập từ tum xuống, …
+ Lợi dụng sơ hở của chủ nhà hoặc người quản lý tài sản lẻn vào nhà hoặc cửa hàng, cửa hiệu …, núp sẵn ở một nơi kín đáo chờ thời cơ hoạt động.
* Thủ đoạn hoạt động của tội phạm trộm cắp xe máy:
- Ngoài các thủ đoạn chung của tội phạm trộm cắp như đã nêu trên, thủ đoạn chủ yếu của tội phạm trộm cắp xe máy là lợi dụng sơ hở của người quản lý xe máy không có người trông coi, chúng dùng đoản hoặc chìa khóa vạn năng để bẻ, phá khóa cổ và khóa điện xe máy để trộm cắp, chính sơ hở của người quản lý xe máy là chủ quan (xe đã có khóa cổ) không trông coi, nên bọn tội phạm đã bẻ, phá khóa xe để trộm cắp.
- Giả làm người giữ xe, để dắt, trộm xe của khách ở các nhà hàng, quán cà phê, dịch vụ khác cần phải gửi xe.
- Tráo, trộm cắp, làm giả thẻ giữ xe; ghi thêm, xóa bớt vào vé xe, trên thân xe để lấy trộm xe ở bãi giữ xe.
- Dùng biển số xe máy giả để dắt trộm xe máy ở bãi giữ xe.
2. Biện pháp phòng ngừa
- Không cất trữ nhiều tiền bạc, tài sản giá trị cao tại nhà, kho tàng, cửa hiệu mà thiếu các biện pháp bảo vệ an toàn.
- Kiểm tra an toàn cửa nẻo trước khi đi ngủ, đi làm, đi chơi xa. Nhớ chắc chắn đã đóng khóa cả các cửa trên lầu, cửa ra ban công, sân thượng, cửa sổ.
- Chú ý làm tường, rào ngăn chặn việc leo chuyền từ cây xanh, trụ điện gần nhà để đột nhập.
- Chú ý phát hiện những đối tượng lạ mặt xuất hiện và lảng vảng trong khu vực.
- Lắp hệ thống camera cảnh báo, chuông báo động tại nhà, cửa hiệu, cơ quan, kho tàng.
- Trang bị thêm khóa chống trộm, khóa chân chống cho xe máy.
- Không nên tin tưởng vào khóa cổ xe máy mà lơ là chủ quan mất cảnh giác.
- Lắp định vị toàn cầu cho xe ô tô, xe máy, láp-top, điện thoại di động.
- Cảnh giác, bảo vệ tài sản: ví tiền, điện thoại di động, dây chuyền vàng, tư trang khác khi ở những nơi tập trung đông người, đề phòng bị móc túi, rạch giỏ.
- Cảnh giác, đề phòng đối tượng đưa tiền mệnh giá lớn khi mua hàng hóa giá trị nhỏ, không cho đối tượng vào khu vực để tiền, tự tay lục lọi trong tủ tiền.
- Sinh viên học sinh nhớ không mở cửa sổ khi ngủ, đề phòng bọn trộm có thể lấy láp-top trên bàn (gần cửa sổ), dùng sào móc quần áo để trộm ví tiền, điện thoại.
- Du khách khi tắm biển không để hành lý tư trang trên bãi tắm, mà không có người trông coi.
- Du khách không đi massage ở những điểm không có giấy phép, không bảng hiệu, có biểu hiện tệ nạn, để đề phòng bị rơi vào bẫy trộm.
3. Vụ án minh họa
Vào lúc 02 giờ 30 ngày 19/05/2012, 02 đối tượng Lưu Ngọc Sơn (Sơn Sắt - sn: 1985 - trú: Phước Sơn 3, Ninh Đa, Ninh Hòa) và Lê Anh Tuấn (Lỳ - sn: 1989, trú: Xuân Ninh, Xuân Sơn, Vạn Ninh), đều thuê nhà trọ ở Nha Trang, rủ nhau đi trộm cắp tài sản, chúng chuẩn bị sẵn 01 thanh sắt và 01 đoản để bẻ khóa xe máy. Sau một lúc đi dạo trên các đường phố, khi đến trước nhà 80 Nguyễn Biểu, Vĩnh Hải, Nha Trang, thấy nhà khóa cửa ngoài nên chúng biết không có người ở nhà, do đó chúng dùng thanh sắt để cạy khóa vào nhà dùng đoản bẻ khóa cổ lấy trộm xe máy AirBlade biển số 76Y2-234301 và 01 laptop.
IV. Một số đối tượng cần nâng cao cảnh giác đề phòng tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp
- Đội ngũ lái xe buýt, xe khách đường dài: có thể là đối tượng gây án của tội phạm cướp (có vũ khí, gây mê), cướp giật, trộm cắp, cờ bạc bịp trên xe. Cần cảnh báo cho hành khách giữ gìn hành lý tư trang, không nên tham gia các trò chơi mang tính cờ bạc trên xe, không ăn uống các thức ăn, đồ uống do người lạ mời …
- Đội ngũ lái xe taxi, xe ôm: có thể là đối tượng gây án của tội phạm cướp phương tiện, tài sản đối với lái xe; cướp giật tài sản của khách đi xe. Không nên chở khách đi đến những nơi vắng vẻ vào những giờ tối khuya, cần cảnh giác với những khách yêu cầu đi đến nhiều địa điểm trong cùng một chuyền đi; khách trả giá cao, lựa xe máy đắt tiền …
- Đối với lái xe hàng đường dài: có thể là đối tượng gây án của tội phạm cướp (có vũ khí, gây mê), trộm cắp tài sản và hàng hóa trên xe. Cần chú ý kiểm tra, phát hiện tiếng động lạ trên xe, cảnh giác khi đi qua những đoạn đường xấu vào nhừng thời điểm khuya, vắng vẻ, …
- Ở các chợ, nhà ga, bến tàu, bến xe, điểm tham quan du lịch, mua sắm, nơi tập trung đông người, cần yêu cầu người quản lý hoạt động tại những nơi này có trách nhiệm thông báo, cảnh báo cho nhân dân cách thức đề phòng, nâng cao cảnh giác, thông báo cho nhân dân biết các thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cướp giật, trộm cắp (như móc túi, bấm dây chuyền, …).
- Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, khách sạn, nhà nghỉ: thông tin kịp thời các vấn đề cần cảnh giác tội phạm cho du khách (các thủ đoạn của tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp). Cảnh báo các vấn đề về ANTT cho khách ngay tại khách sạn, nhà nghỉ, trên phương tiện vận chuyển, tại các điểm du lịch, khuyến cáo khách nên giữ kỹ tài sản của mình (như phần chung trong biện pháp phòng ngừa đã giới thiệu ở trên). Cách xử lý tình huống khi có vụ việc xảy ra (Như: khi phát hiện mất trộm tài sản tại khách sạn, nhà nghỉ …, cần tổ chức lực lượng giữ nguyên hiện trường và điện ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất).
- Đối với các trường học (học sinh, sinh viên, bảo vệ …): chú ý phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp giật, trộm cắp, nhất là trộm xe trong trường học và trộm tài sản tại nhà thuê trọ. Hướng dẫn cách đề phòng, như: khóa xe cẩn thận, không nên mang những tài sản có giá trị lớn đến trường, nâng cao cảnh giác để tự bảo quản tài sản, phát hiện người lạ ra vào trường có những hành vi nghi vấn. Hướng dẫn cách xử lý tình huống.
- Đối với cơ sở kinh doanh vàng, đồ trang sức: trang bị phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tiệm vàng; hướng dẫn cách đề phòng như sử dụng kính cường lực đối với các tủ trưng bày vàng, trang sức; lắp camera an ninh; lắp chuông báo động, khóa chống trộm; bố trí lực lượng bảo vệ …Hướng dẫn cách xử lý tình huống khi có vụ việc xảy ra.
Vụ án minh họa:
12 giờ 15 ngày 29/11/2011, Nguyễn Gia Huy (sn: 1993 - trú: 15/1 Trịnh Phong, NT) điều khiển xe máy chở Hoàng Ngọc Trí (sn: 1997 - trú: 26 Trịnh Phong, NT) đi tìm người có tài sản sơ hở để cướp giật; khi đến khu vực 44 Trần Phú, NT thì phát hiện chị Starodubtseva Olga (sn: 1949 - là du khách người Nga) đang đi bộ trên vỉa hè có đeo 01 túi xách. Sau khi bàn bạc và thống nhất, Huy chở Trí chạy xe áp sát vào người chị Olga để trí giật lấy túi xách rồi bỏ chạy; đến đường Hiền Lương, NT thì dừng lại lục túi xách lấy tài sản, còn giấy tờ và túi xách thì vứt lại trên đường. CATP Nha Trang đã khởi tố điều tra đối với Trí và lập hồ sơ đưa Huy vào trường giáo dưỡng.
Trên cơ sở những thông tin như trên, đề nghị cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHNT chủ động phòng ngừa. Đồng thời cảnh giác, khi phát hiện những nghi vấn tìm mọi cách báo ngay cho cơ quan chức năng (Công an phường, cảnh sát 113 hoặc bảo vệ cơ quan…) để xử lý. Trường ĐHNT sẽ đặt các “Hòm thư tố giác tội phạm” tại những nơi thuận tiện nhất. Những thông tin tố giác tội phạm có giá trị, sẽ được xem xét đề xuất khen thưởng xứng đáng.
Toàn văn tài liệu “Một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp và biện pháp phòng ngừa” (xem tại đây)