Các em sinh viên thân mến !
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng con người. Bác coi con người là nhân tố hàng đầu, nhân tố quyết định mọi thành công. Khái niệm và tiêu chí về con người mới, con người xã hội chủ nghĩa được Bác đặt ra và ngày một được bổ sung, hoàn thiện trong xã hội. Tại buổi nói chuyện với cán bộ, sinh viên đang công tác và học tập ở Matxcơva ngày 1 tháng 2 năm 1959, nhân Bác sang dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô, Bác khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa”.
Trong xây dựng con người xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bác quan tâm đến việc chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, trong đó có lớp thanh niên trí thức – những thanh niên sinh viên đang được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng. Bác đã nhiều lần nói chuyện trực tiếp với sinh viên đang học tập trong nước, ở nước ngoài và sinh viên các nước đến dự hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế tại Việt Nam.
Những bài nói, những huấn thị, liệt kê theo thời gian, chúng ta có được:
1, Bài nói tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19.1.1955.
2. Bài nói chuyện với anh chị em học viên, cán bộ, công nhân viên trường Đại học Nhân dân Việt Nam (khoá III), ngày 18.1.1958.
3. Bài nói tại Đại hội Sinh viên lần thứ hai, ngày 7.5.1958.
4. Bài nói tại lớp nghiên cứu chính trị trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 10.1.1959.
5. Bài nói chuyện với cán bộ, sinh viên Việt Nam tại Matxcơva, ngày 1.2.1959.
6. Thư gửi cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường, các lớp bổ túc văn hoá, ngày 31.8.1960.
7. Bài nói tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế tại Hà Nội, ngày 1.9.1961; và một số bài nói với thanh niên, học sinh, sinh viên…
Từ những bài nói, những huấn thị, thư gửi… chúng ta tìm hiểu Bác đã dạy thanh niên sinh viên những gì và thanh niên sinh viên thấm nhuần và phấn đấu thực hiện lời Bác dạy. Đó là:
1. Học và Hành: Đối với học sinh, sinh viên nhiệm vụ đầu tiên là học, học tốt và học giỏi, học để thành người hữu ích xây dựng xã hội, kiến thiết đất nước. Bác nói: “Nhiệm vụ chính của thanh niên là học”, đồng thời Bác đặt vấn đề rõ ràng để giúp thầy giáo và sinh viên nghiên cứu: “Phải hiểu rõ học thế nào” Học cái gì? Học để làm gì?”. Tại Đại hội sinh viên lần thứ hai, ngày 7.5.1958, một lần nữa Bác nhắc lại và nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”. Bác chỉ rõ: “Dưới chế độ thực dân, phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi. Số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết. Mục đích giáo dục nô lệ hầu hạ chúng. Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò là người chủ thì phải học tập. Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác nhau”, “Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự” và “Học để phụng dự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”. Bác còn nói: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi”. Làm theo lời Bác dạy, đại bộ phận thanh niên sinh viên đang ra sức học tập, tích luỹ, nắm vững kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên môn để thực sự có trình độ chuẩn bị, tự tin vào đời, lập nghiệp nhanh chóng đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Bác cũng căn dặn, nhắc nhở thanh niên, nhất là những đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh cần ghi nhớ lời di huấn của Lênin: “Không học thì không thể trở thành người cộng sản”, “người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh niên sinh viên chưa chăm chỉ học tập, còn hiện tượng chạy điểm, chạy bằng; một số thanh niên sinh viên mắc vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Thực trạng ấy đòi hỏi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam cần tăng cường định hướng giá trị, giáo dục và đồng hành với thanh niên trên con đường học tập và luyện rèn.
Bác dạy học phải đi đôi với hành. Bác chỉ rõ tầm quan trọng của thực hành. Hành cũng chính là một nửa của học. Bác nói: “Chỉ biết lý luận (lý thuyết) mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy cho nên các cháu trong lúc học về lý luận thì cũng phải kết hợp với thực hành”, “lý luận phải gắn liền với thực tế”. Bác cũng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết để xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Cần có lao động, lao động trí óc và lao động chân tay. Và cần lao động trí óc kiêm lao động chân tay, nghĩa là lao động chân tay cũng phải có văn hoá, mà người lao động trí óc cũng phải làm được lao động chân tay. Nếu lao động trí óc không làm được lao động chân tay và lao động chân tay không có trí óc thì đó là người lao động bán thân bất toại…”. Bác nhắc nhở các nhà trường “không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu…”. Chúng ta rất vui mừng trước những thành công của đội tuyển Tin học Trường ĐH Nha Trang đạt giải Olympic Tin học sinh viên Việt Nam tại kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC lần thứ 37 khu vực Châu Á – điểm thi Hà Nội với sự tham gia của hơn 800 sinh viên ngành công nghệ thông tin – Truyền thông ưu tú đến từ các trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước và 18 đội tuyển sinh viên quốc tế đến từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thailand, Indonesia, ... tham dự vòng loại ACM/ICPC Châu Á.… Chứng tỏ những sinh viên Trường Đại học Nha Trang đã đạt được trình độ cả lý thuyết và thực hành, lý thuyết và lao động sản xuất… Nhưng hiện tại nhiều sinh viên chưa kết hợp nhuần nhuyễn được giữa học và hành, lý thuyết và lao động sản xuất.
2. Đức và Tài: Tại Đại hội Sinh viên lần thứ hai, ngày 7.5.1958, Bác nhấn mạnh hai phẩm chất hàng đầu của học sinh, sinh viên phải rèn luyện trong nhà trường là đức và tài. Sau này Bác còn dùng khái niệm hồng và chuyên. Đức và tài, hồng và chuyên phải đi đôi với nhau, song hành tồn tại cùng nhau trong một con người.
Về đức, ở đây như Bác nói là đạo đức, đạo lý làm người mà với thời đại chúng ta, Bác yêu cầu rèn luyện để có đạo đức cách mạng. Bác giải thích đạo đức cách mạng rất giản dị, cụ thể: “Đạo đức cách mạng không phải là những điều cao siêu, xa lạ mà đối với mỗi người bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm một việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Bác coi “đạo đức là cái gốc của người cách mạng” và Bác chỉ rõ cách thức phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng: “Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa”, “Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn”. Sở dĩ Bác chỉ rõ cụ thể để mọi người hiểu thấu đáo nước ta xây dựng xã hội chủ nghĩa từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nền sản xuất chủ yếu là thủ công phân tán cùng với chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi là một lực cản lớn, hạn chế năng lực sáng tạo của tuổi trẻ. Bác coi trọng việc giáo dục thanh niên nói chung và thanh niên sinh viên nói riêng phải xoá bỏ chủ nghĩa cá nhân, xây dựng tinh thần làm chủ. Đương nhiên xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là xóa bỏ lợi ích cá nhân chính đáng mà là sự hài hoà giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, lợi ích xã hội. Phấn đấu làm việc ích nước lợi nhà. Bác nói: “Muốn sửa chữa chủ nghĩa cá nhân thì phải làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân đã. Ta có câu nói: “khó nhọc thì mình nên đi trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; làm việc gì mình cũng nghĩ đến lợi ích chung trước và lợi ích riêng sau. Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng sửa chữa khuyết điểm của mình”.
Về Tài, tức là năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được tích luỹ và phát huy tác dụng, đóng góp thiết thực, làm lợi ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Bác mong muốn thanh niên sinh viên học tập, rèn luyện để thực sự có tài. Bác mong muốn xã hội có nhiều người tài và người tài đem hết tài năng, tâm huyết phục vụ xã hội.
Bác yêu cầu thanh niên sinh viên phải có đức, có tài nhưng Bác đặt đức trước tài, hồng trước chuyên. Bởi vì theo Bác, đạo đức cách mạng là cái gốc, cái nền. Bác nói: “có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người.
3. Lý tưởng và Tình yêu: Giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và cho thanh niên sinh viên nói riêng là một trong những vấn đề được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Bác ân cần khuyên nhủ: “Chúng ta không một chút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta”. Lý tưởng cách mạng đối với tuổi trẻ như ánh sáng mặt trời với sự sống, là sự gắn bó hữu cơ, là sự tự nguyện, tự giác, là sự đòi hỏi tự thân, nó thường trực, hướng tới: “Không một chút nào được quên”. Theo Bác, để thanh niên sinh viên có lý tưởng cách mạng, trước nhất phải giáo dục nhận thức để giác ngộ lý tưởng. Thanh niên sinh viên là nhân vật trung tâm của nhà trường, hoạt động chính của thanh niên sinh viên là học tập. Vì thế giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên sinh viên trước hết là thông qua hoạt động học tập nhằm giúp cho họ tự trả lời câu hỏi: Học để làm gì? Học để phụng sự ai? Đương nhiên lý tưởng sống của thanh niên sinh viên không chỉ dừng lại ở nhận thức, ý thức và quan niệm, mà phải được tôi rèn trong thực tiễn học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tế, phải thành hành động, thông qua hành động, và hiệu quả của hành động. Bác dạy: “Điều gì phải thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”. Học để làm người cách mạng, học để phụng sự nhân dân là như thế. Giác ngộ lý tưởng vì nước, vì dân, vì chủ nghĩa xã hội và thực hiện lý tưởng cao đẹp đó bằng tình cảm, trí tuệ, tài năng, ý chí và nhiệt tình của tuổi trẻ lấy phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân là lẽ sống cao quý của mình, đó chính là giá trị nhân cách của tuổi trẻ, là mục tiêu phấn đấu trở thành người trí thức cách mạng của thanh niên sinh viên hiện nay.
Về tình yêu: Khái niệm tình yêu mà Bác dạy hàm nghĩa rộng, nhưng rất thiết thực và Bác giải thích rất kỹ càng, cụ thể khi Bác nói tại Đại hội sinh viên toàn quốc lần thứ hai: 1- Yêu Tổ quốc; 2- Yêu nhân dân; 3- Yêu chủ nghĩa xã hội; 4– Yêu lao động; 5– Yêu khoa học; 6- Yêu kỷ luật. Tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác huấn thị các học viên 7 điều phải và 6 điều chống: 1- Phải yêu Tổ quốc yêu nhân dân; 2- Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn; 3- Phải yêu và trọng lao động; 4- Phải giữ gìn kỷ luật; 5- Phải bảo vệ của công; 6- Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân; 7- Phải chủ ý đến tình hình thế giới. 6 điều chống là: 1- Chống tâm lý tự ti tư lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình; 2- Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc; 3- Chống thói xem khinh lao động; 4- Chống lười biếng, xa xỉ; 5- Chống sinh hoạt uỷ mị; 6- Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang. Bác nói rõ, xây đi liền với chống, yêu đi liền với ghét: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Di huấn của Người đối với cho thanh niên sinh viên Việt Nam nói chung cũng là di huấn cho thế hệ trẻ Trường Đại học Nha Trang, đó là tình cảm, là tư tưởng, là lời dạy, là định hướng cho lớp sinh viên sẽ làm chủ tương lai của đất nước. Vậy điều đơn giản nhất có thể làm được của các bạn sinh viên trường ta hiện nay là gì? 5 tốt: đạo đức tốt - học tập tốt - thể lực tốt - kỹ năng tốt - hội nhập tốt sinh viên Việt Nam cần đạt được. Và đây chính là hành động cụ thể thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội sinh viên trường những ngày cuối năm 2012 đã tổ chức 2 lớp kỹ năng mềm đã có hơn 500 sinh viên tham gia, đến đây chương trình tập huấn lại tiếp tục được tổ chức mong rằng tuổi trẻ của trường tiếp tục tham gia để hoàn thiện bản thân mình đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong thời kỳ CNH,HĐH đất nước.
Lê Hoài Nam-Ban Tuyên huấn ĐHNT