Trong chương trình đào tạo của Ngành Công nghệ Môi trường, bên cạnh các học phần lý thuyết và thực hành còn có một số học phần tham quan thực tập nhằm nâng cao kiến thức thực tế và khả năng vận dụng, liên hệ từ lý thuyết vào thực tiễn cho sinh viên.
Chính vì vậy, Bộ môn Công nghệ Môi trường đã tổ chức chuyến đi tham quan thực tập tại một số nhà máy/công ty có hệ thống xử lý chất thải trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa. Chuyến đi kéo dài trong một tuần, từ 12/11 đến 16/11/2012.
Ngày 12/11, đoàn thực tập đã đến Nhà máy xử lý rác Nam Thành, Ninh Thuận. Được sự quan tâm và chấp nhận của UBND cùng các sở, ban, ngành của tỉnh Ninh Thuận ra quyết định phê duyệt “Phương án thu gom và vận chuyển rác thải trên địa bàn Ninh Thuận”. Từ đó, nhà máy xử lý rác thải - chế biến phân hữu cơ vi sinh được khởi công xây dựng vào ngày 02/04/2002. Với nguồn vốn từ doanh nghiệp tư nhân, sau 08 tháng đầu tư, thi công xây dựng các hạng mục và trang thiết bị máy móc đã hoàn thành, Công ty TNHH XD TM & SX Nam Thành, Ninh Thuận chính thức đi vào hoạt động ngày 01/01/2003. Với 315 công nhân lao động được đào tạo chuyên môn, đã thực hiện khép kín dây chuyền xử lý rác từ 150 - 300 tấn rác/ngày; sản xuất 40 - 60 tấn phân HCVS/ngày và nhiều loại sản phẩm phục vụ nông nghiệp, công nghiệp. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, với chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và phân bón hữu cơ vi sinh nhãn hiệu “Địa cầu xanh”, công ty đã đạt được nhiều thành tựu, đem lại cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho môi trường.
Sinh viên tìm hiểu về mô hình thu gom, xử lý rác và các sản phẩm từ rác của nhà máy (trái) và Giám đốc công ty Nam Thành, Ninh Thuận trả lời các câu hỏi của sinh viên (phải)
Tại Nhà máy bia - nước giải khát Việt Đức ở khu công nghiệp Diên Phú, TP. Nha Trang, Khánh Hòa, các em sinh viên đã được tìm hiểu toàn bộ dây chuyền sản xuất bia hơi và bia chai tại nhà máy, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, chuẩn bị dịch đường, lên men bia và xử lý sau lên men (lọc tinh, chiết chai, thanh trùng, dán nhãn, in date, xếp két). Bên cạnh đó, các em cũng được tìm hiểu về hệ thống xử lý nước thải. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy sử dụng biện pháp sinh học với một bể xử lý sinh học kỵ khí (2 ngăn) đóng vai trò tiền xử lý trước khi đi vào hệ xử lý sinh học hiếu khí và bể lắng. Nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn thải được nhà máy tái sử dụng để làm nước tưới cây.
Tại Đà Lạt, đoàn thực tập đã được đến tham quan Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, tìm hiểu về lò phản ứng hạt nhân, lịch sử hoạt động và các ứng dụng của lò. Đồng thời, các cán bộ nghiên cứu của Viện cũng đã giới thiệu về hệ thống thu gom, xử lý nước thải phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân, hệ thống chôn cất, xử lý chất thải phóng xạ và trung tâm quan trắc môi trường quốc gia về phóng xạ tại Viện.
Bên cạnh đó, đoàn cũng đã đến huyện Lạc Dương - Lâm Đồng để tham quan nhà máy nước sạch Dankia 2. Tại đây, Ban Giám đốc công ty và các cán bộ kỹ thuật của nhà máy đã tận tình hướng dẫn sinh viên về công nghệ và các trong trình trong hệ thống xử lý nước sạch của nhà máy. Nhà máy nước sạch Dankia 2 đi vào hoạt động từ tháng 09/2010 với 100% vốn đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân. Nhà máy có công suất thiết kế 30.000 m3/d, cung cấp khoảng 70% lượng nước sạch cho thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nhờ áp dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống bơm cấp I đi động, bể lắng lamen, bể lọc áp lực,… nhà máy đã xử lý nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế về nước cấp sinh hoạt, đảm bảo về giá thành và tiết kiệm diện tích đất sử dụng cho các công trình xử lý.
Kết hợp với chuyến đi tham quan kiến tập tại các nhà máy/cơ sở xử lý chất thải, đoàn sinh viên lớp 51CNMT - Đại học Nha Trang cũng đã có buổi giao lưu thân mật, vui vẻ cùng sinh viên Khoa Môi trường - Đại học Đà Lạt. Bên cạnh những trò chơi, tiết mục văn nghệ, các em còn tổ chức giao lưu bóng đá. Buổi giao lưu đã để lại nhiều niềm vui, nhiều ấn tượng tốt đẹp cho sinh viên Khoa Môi trường - Đại học Đà lạt và sinh viên 51CNMT - Đại học Nha Trang.
Qua chuyến tham quan thực tập này, các em sinh viên có dịp củng cố lại lý thuyết đã học, đặc biệt các em đã được tận mắt quan sát và hiểu rõ về cấu tạo, nguyên tắc hoạt động của các công trình, máy móc, thiết bị sử dụng trong dây chuyền xử lý chất thải rắn, nước thải và xử lý nước cấp.
Kết thúc chuyến mỗi điểm đến tham quan, Đoàn thực tập, đại diện là các Giảng viên-Bộ môn Công nghệ Môi Trường cảm ơn Ban Lãnh đạo công ty đã tạo điều kiện giúp đỡ các em sinh viên được đến tham quan thực tế tại nhà máy, đồng thời cũng mong muốn nhà máy sẽ tiếp tục tạo điều kiện và giúp đỡ các em sinh viên khóa sau được đến tham quan tại nhà máy. Đại diện phía nhà máy đã vui vẻ nhận lời.
Một số hình ảnh về chuyến tham quan thực tập
Cán bộ Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt dẫn đoàn đi tham quan lò phản ứng hạt nhân và khu xử lý chất thải phóng xạ.
Cán bộ kỹ thuật nhà máy nước sạch Dankia 2 đang giới thiệu về cụm các công trình xử lý gồm bể lắng ngang, lắng lamen, bể lọc.
Tin bài: Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Viện Công nghệ Sinh học & Môi trường