|
Bộ trưởng đang đối thoại trực tuyến với nhân dân sáng 7/3. (Ảnh Hà Thu) |
Bộ vẫn in "Cẩm nang tuyển sinh"
Trả lời các câu hỏi liên quan đến tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 - Bộ trưởng khẳng định một số thay đổi chỉ để bảo đảm thuận lợi cho thí sinh. Năm nay, bổ sung khối A1 Tóan, Lý, tiếng Anh. Những trường trước đây tuyển khối A muốn bổ sung A1 thì phải tuyển sinh ngành đó cả hai khối A, A1.
Đồng thời, năm nay thí sinh thi ở Hà Nội, TP.HCM là thí sinh Quảng Ninh, Hải Phòng, khu vực lân cận Nghệ An sẽ được thi tại địa phương, là các cụm thi.
Trước câu hỏi có thể gộp kỳ thi ĐH, CĐ thành một đợt thay cho 2 đợt cho đỡ tốn kém, người đứng đầu ngành khẳng định: "Phương án này chưa thể thực hiện được. Bởi hàng năm số lượng thí sinh dự thi ĐH,CĐ rất lớn, không thể chung đợt vì không đủ thầy cô để coi thi, không đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tất cả cho một đợt thi..." Hơn nữa, nếu gộp tất cả vào một đợt thi thì điều kiện ăn uống, đi lại cũng sẽ rất căng thẳng.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bùi Anh Tuấn tiếp lời, những thay đổi, điều chỉnh trong tuyển sinh năm nay chỉ là vấn đề kĩ thuật nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và gia đình.
Những thông tin thí sinh rối như canh hẹ vì có nhiều đơn vị lợi dụng việc Bộ không in cuốn "Những điều cần biết" được ông Phạm Vũ Luận nhìn nhận, thông tin này vừa đúng vừa không đúng. Sau hội nghị tuyển sinh, tiếp thu các ý kiến góp ý tạo điều kiện cho thí sinh vùng sâu, vùng xa Bộ đã giao cho Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam tổ chức xuất bản cuốn sách này.
"Tuy nhiên, đến nay cuốn sách chưa phát hành được là do còn nhiều sai sót. Có những trường đăng ký chỉ tiêu cao, phải cân chỉnh lại cho đúng"- Bộ trưởng nói. Đến sáng 6/3 vẫn còn 40 trường chưa đăng ký thông tin tuyển sinh. Do đó, khi có đầy đủ thông tin chính xác thì NXB sẽ phát hành.
Giải bài toán việc làm cho sinh viên?
Nhiều câu hỏi của sinh viên về việc làm sau khi ra trường, về sự chồng chéo trong chương trình đào tạo... được Bộ trưởng trao đổi cởi mở.
Một sinh viên hỏi:
"Cháu 26 tuổi, đã tốt nghiệp ĐH 3 năm, đang làm cơ quan Nhà nước. Sau tốt nghiệp ĐH cháu bị khủng hoảng vì nội dung học không áp dụng gì được cho công việc. Hiện tại cháu đang học cao học, thấy chương trình chồng chéo, không phù hợp. Bộ có biết...
"Xin chia sẻ băn khoăn của bạn" - lời Bộ trưởng. Như đã nói, đào tạo ĐH thì có nhiều ngành nghề, lĩnh vực đào tạo rất khác nhau. Các trường ĐH có quyết định tương đối độc lập trong chương trình.
Để khắc phục chồng chéo, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các trường xem xét điều chỉnh lại các chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu, đưa ra quy định cao hơn về chuẩn đối với các trường được phép đào tạo sau ĐH. Đồng thời thanh tra và kiểm tra toàn diện các trường trong thời gian tiếp theo.
Bộ yêu cầu các trường điều chuyển chương trình phù hợp với nội dung làm việc các doanh nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện các cơ sở giáo dục quan hệ tốt với các cơ sở giáo dục, với các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động để điều chỉnh nội dung. Bộ tăng cường quản lý Nhà nước, khuyến khích cơ sở hoạt động tốt, xử phạt trường vi phạm quy chế.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận, tình trạng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm là thực tế. Trên cơ sở chính phủ yêu cầu các Bộ ngành xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát điều chỉnh chi tiết hơn quy hoạch mạng lưới các trường đại học, theo từng khu vực, ngành nghề.
Với các trường đã thành lập, đang hoạt động, trường nào được phép mở ngành, trường nào không được phép nữa, Bộ sẽ thiết lập trên mạng bảng thống kê những sinh viên đã học tập trong những ngành nghề nào, để những thí sinh chuẩn bị thi ĐH, CĐ tham khảo trong việc chọn ngành nghề đào tạo cho mình.
Kết thúc buổi trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: “Còn nhiều điều chúng tôi muốn nói sâu hơn, như đối với các cháu học sinh, sinh viên chuẩn bị thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học. Đối với những lực lượng xã hội giám sát, theo dõi hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo, tôi rất muốn nói thêm nữa."
Về một số câu hỏi, tôi biết, nói như thế này chưa thể đáp ứng hết được yêu cầu cụ thể của độc giả. Đối với các vấn đề mà chưa thể đáp ứng được toàn bộ yêu cầu độc giả, chúng tôi rất muốn thông qua kênh đối thoại như thế này, tiếp tục nhận được thông tin, và chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể hơn. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được những kiến nghị, đề xuất, gợi ý của nhân dân để giúp công việc của ngành tốt hơn. |