Bác Hồ đã nói: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai được với các cường quốc năm châu được hay không phần lớn là nhờ vào công học tập của các em”.
Hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước theo hướng tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Có thể nói việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò hết sức quan trọng và là khâu đột phá nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, ý thức học tập, kết quả học tập của sinh viên là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vậy các bạn sinh viên chúng ta đã ý thức được tầm quan trọng của việc học tập hay chưa? Có nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội hay không? Nếu nhận thức được những điều ấy thì chúng ta sẽ có được những lớp sinh viên ưu tú, xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước.
Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng cho mọi thế hệ học sinh, sinh viên về tinh thần tự học, không ngừng học và học suốt đời. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập thể hiện trên một số điểm sau đây:
Một là, phải ham học, học suốt đời, học ở mọi nơi, lấy tự học làm cốt. Mỗi cá nhân phải tự nhận thấy và đánh giá được mức độ hiểu biết của mình, không tự cao, tự đại, không bằng lòng với cái hiện tại, có ước mơ và hoài bão vươn lên. Tri thức của nhân loại là biển cả mênh mông, hiểu biết của mỗi cá nhân như là một giọt nước, do đó nếu chỉ trông chờ vào những kiến thức được trang bị trong nhà trường thì những hiểu biết đó sẽ mai một, bốc hơi dần dần. Bác đã từng nói: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Học trong nhà trường cũng như học ở ngoài đời phải “Lấy tự học làm cốt”, khi đã có niềm đam mê thì tự mình sẽ chủ động học hỏi, nghiên cứu không ngừng nghỉ.
Hai là, chủ thể học tập là ai? Theo Bác, ai cũng phải học, không kể sang, hèn; giàu, nghèo; không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc… Khi đã xác định sự học là một nhu cầu thì tự giác ai cũng phải học.
Ba là, học cái gì? Bác đã dạy: học những điều cơ bản, thiết thực đối với mỗi người. Trong hành trang tri thức của mỗi người rất nhiều điều còn thiếu, nhưng nếu thấy cái gì học cái ấy thì chúng ta chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và cũng không đủ thời gian để học và hiểu hết tất cả. Vì vậy, ngoài việc học ở nhà trường theo chương trình quy định, chúng ta cần phải tìm tòi, nghiên cứu và học tập một cách có chọn lọc các kiến thức từ nhiều nguồn khác.
Bốn là, phải biết được mục đích của việc học là để làm gì, theo Bác: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Tư tưởng này của Bác cũng không xa lạ với 4 trụ cột của giáo dục thế giới ngày nay mà UNESCO đã thể hiện là "học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người". Bên cạnh đó Bác Hồ phê phán nghiêm khắc tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại, cho mình là giỏi nhất thiên hạ. Người nói:“Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”.
Thực tiễn đã chứng minh rằng, nguồn gốc giàu có của một quốc gia chính là tri thức và chỉ có con người mới có khả năng nắm giữ tri thức và sản sinh tri thức. Vậy sinh viên đã trang bị cho mình những gì khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã ý thức được tầm quan trọng về việc học tập của mình hay chưa? Sinh viên Trường Đại học Nha Trang trải qua bao thế hệ, ngày càng phát triển hơn trước về cả số lượng và chất lượng. Từ 151 sinh viên nhập học khóa 1 năm 1959 đến nay đã có hơn 23.000 sinh viên đại học, cao đẳng cùng với hơn 300 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Có thể nói Trường là nơi cung cấp nguồn lao động có chất lượng ở khu vực Nam Trung Bộ. Đó là điều đáng mừng, tuy nhiên, bên cạnh số sinh viên được khen thưởng, hàng năm Trường cũng phải đưa ra một số quyết định kỷ luật đối với sinh viên vi phạm, đình chỉ buộc thôi học đối với một số sinh viên bỏ học quá quy định. Vẫn còn tồn tại một bộ phận nhỏ sinh viên của Trường chưa ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, lơ là chuyện học hành, đua đòi, tiếp thu thiếu chọn lọc lối sống từ bên ngoài. Đặc biệt, hiện tượng sinh hoạt vui chơi không lành mạnh như tụ tập ngồi lê ở một số quán cà phê để đánh bài, xem đá banh thậm chí cá độ, ở phía trước cổng, cũng như ở dọc con đường phía trước Trường vẫn còn khá phổ biến với mức độ ngày càng tăng so với trước đây. Đây là điều đáng buồn và đáng trăn trở biết bao.
Trước xu thế hội nhập và phát triển, thiết tha mong muốn bản thân mỗi bạn sinh viên Trường Đại học Nha Trang hãy ý thức một cách nghiêm túc về tầm quan trọng của việc học, hãy noi theo tấm gương sáng của Hồ Chí Minh về tinh thần tự học và làm theo những lời Bác dặn để góp phần xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Những bạn nào còn lơ là, ham chơi chưa chú trọng vào việc học tập hãy nhìn lại bản thân mình, biết sữa chữa sai lầm khuyết điểm và xác định được mục tiêu để phấn đấu. Những bạn nào là sinh viên ưu tú hãy tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả cao trong học tập, sống có ước mơ và hoài bão, không tự cao tự đại.
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb.CTQG
2. www.tapchicongsan.com.
3. www.tapchiqptd.vn
Tin bài: Vũ Thị Bích Hạnh – Khoa Khoa học Chính trị