Phải học cách tự đọc tài liệu
PGS-TS Phan Quang Thế - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật (ĐH Thái Nguyên) gợi ý: để đảm bảo điểm trung bình chung học kỳ không quá thấp thì việc đăng ký học phần ra sao rất quan trọng. Nếu SV có điểm trung bình chung (TBC) tích lũy từ 2,0 trở lên và tích lũy được từ 90-100% tín chỉ theo kế hoạch đào tạo của nhà trường tại thời điểm xem xét thì có thể đăng ký học tất cả các học phần theo thời khóa biểu của nhà trường và thậm chí có thể học vượt. Nếu SV có điểm TBC tích lũy từ 1,6 đến dưới 2,0 và tích lũy được 70-90% số tín chỉ theo kế hoạch đào tạo của nhà trường tại thời điểm xem xét thì nên rút một số học phần và chỉ nên học đến 15 tín chỉ các học phần trong thời khóa biểu của học kỳ đó. Nếu SV có điểm TBC tích lũy dưới 1,6 thì nên đăng ký 10 tín chỉ các học phần theo thời khóa biểu của nhà trường.
Ngoài các học phần đăng ký theo thời khóa biểu học kỳ của nhà trường, SV nên đăng ký học lại hoặc học cải thiện điểm của các học phần học trong các học kỳ trước (những học phần học lại này nếu đạt điểm học phần cao hơn điểm cũ sẽ được tính vào TBC học kỳ, còn nếu thấp hơn điểm cũ thì SV có thể rút kết quả). Riêng với SV năm thứ nhất, trong học kỳ đầu tiên không nên học vượt.
Về phương pháp học tập, đối với SV, khó nhất của học theo tín chỉ là phải áp dụng phương pháp học tích cực, đó là tự học và học nội dung cốt lõi là chính. Cụ thể, nếu như giờ lý thuyết chủ yếu là nghe, viết và suy ngẫm thì giờ thảo luận phải là nói nhiều và tranh luận. Ưu tiên đặt câu hỏi hơn là trả lời. Tránh đi vào những vấn đề quá sâu, phức tạp và mất nhiều thời gian. Đừng nôn nóng hiểu sâu, hãy hiểu những vấn đề cơ bản trước.
|
"Muốn hiệu quả học tập tốt, không đơn giản chỉ là lên thư viện đọc sách từ sáng đến tối, "cày" chăm chỉ, đến kỳ thi học thuộc bài mà quan trọng hơn là kỹ năng và sự sáng tạo trong những công việc quen thuộc ấy".
Giảng viên Việt Hà
|
|
|
Điều quan trọng, theo PGS Thế, là SV phải học cách tự đọc tài liệu để hiểu sâu "linh hồn" của từng chương và tiến tới cả học phần. Tự triển khai những vấn đề cụ thể của học phần như giải bài tập, thiết kế, chuẩn bị câu hỏi cho các giờ thảo luận trên lớp. Hãy đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Tăng cường trao đổi bài theo nhóm. Người biết khi giảng cho người chưa biết sẽ càng giỏi hơn, người chưa biết hỏi người biết sẽ hiểu được vấn đề.
Theo bà Việt Hà - giảng viên khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội: học theo chương trình tín chỉ, muốn được điểm cao và hiệu quả học tập tốt, không đơn giản chỉ là bạn phải lên thư viện đọc sách từ sáng đến tối, "cày" chăm chỉ, đến kỳ thi học thuộc bài mà quan trọng hơn là kỹ năng và sự sáng tạo trong những công việc quen thuộc ấy. Điểm khác biệt lớn nhất của tín chỉ so với cách học truyền thống là ở chỗ thời lượng sẽ dành nhiều hơn cho thảo luận, làm việc nhóm và tự đọc sách.
Được chọn giảng viên?
Thực tế cho thấy có nhiều trường ĐH đã chuyển sang tín chỉ được nhiều năm nhưng cấu trúc và nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy chưa được đổi mới (nhiều trường chuyển số đơn vị học trình thành số tín chỉ, vẫn tổ chức kiểu dạy học theo cuốn chiếu, không xác định rõ được vai trò của SV trong tiến trình dạy-học).
Một SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng: Tín chỉ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu cả giáo viên và SV đều làm việc tích cực, tương tác với nhau. Còn nếu dạy theo tín chỉ mà đến lớp vẫn cứ đọc-chép, giao bài tập cho SV mà không kiểm tra, giao cho SV đọc sách mà bản thân giáo viên không đọc, giao cho SV thảo luận mà giáo viên không điều khiển được giờ thảo luận... thì tín chỉ chỉ là hình thức.
SV này đề xuất: "Theo tôi, SV phải có quyền lựa chọn môn học và giáo viên mà mình muốn học. Nếu là sự lựa chọn tự do thì sẽ có những giáo viên chẳng có SV. Còn nếu lựa chọn có ép buộc hoặc bị khống chế thì mất đi tính cạnh tranh mà đào tạo tín chỉ mang lại".
Tuy nhiên, các trường cũng cho rằng: trước mắt, có thể tính cạnh tranh giữa các giảng viên với nhau trong việc thu hút SV đăng ký học giờ học của mình chưa thể triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, mà cần một sự chuyển đổi.
Theo đại diện trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội: có những ngành học mới, những môn học mới mà chỉ có một hoặc hai người giảng dạy, thì sự chọn lựa, đăng ký học chắc chưa thể đáp ứng ngay được yêu cầu của người học... Tuy nhiên, những môn học thuộc khối kiến thức chung hay nhóm ngành khi mà số lượng người thầy đủ đáp ứng được việc tổ chức cùng lúc nhiều lớp môn học, thì sự đăng ký, chọn thầy, chọn giờ, chọn buổi là hoàn toàn thực hiện được.
Được lựa chọn môn học theo khả năng
|
Ảnh: Hà Ánh
|
Từ năm 1993, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) là một trong những trường đầu tiên áp dụng việc đào tạo theo tín chỉ. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho rằng, học chế tín chỉ có nhiều ưu thế mà SV phải năng động hơn để khai thác nó. Học tín chỉ giúp đánh giá SV liên tục, nhiều lần trong một học kỳ nhằm giảm tải ở kỳ thi cuối kỳ cũng đồng thời rèn luyện SV nhiều hơn. Do vậy, đòi hỏi bản thân SV phải tập trung cho việc học tập để đạt kết quả tốt nhất ngay từ đầu chứ không phải chỉ một lần theo kiểu thuộc bài. SV có quyền được lựa chọn môn học theo khả năng, hoàn cảnh cụ thể của mình. Thậm chí, nếu ở thời điểm đó sự lựa chọn đó chưa phù hợp thì vẫn còn sự lựa chọn khác là không tham gia.
Phải có sự nỗ lực từ 3 phía
|
Ảnh: Hà Ánh
|
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, để đạt hiệu quả tốt trong đào tạo theo tín chỉ cần phải có sự chuẩn bị và nỗ lực từ cả 3 phía: nhà trường, giảng viên và SV. Với nhà trường, điều cốt yếu là phải minh bạch hóa tất cả các thông tin liên quan đến việc học của SV thông qua lịch học vụ, sổ tay SV, mạng điện tử… Tiếp đến là hướng tới xây dựng cổng thông tin giao tiếp với SV một cách thuận lợi nhất. "Việc giảng viên khi đứng lớp hôm nay cũng phải thay đổi về tư tưởng giảng dạy. Đặc biệt, khi thiết kế chương trình học không chỉ nội dung giảng dạy trên lớp mà còn cả nội dung tự học ở nhà cho SV, mà điều này thì gần như đang bị bỏ quên hoặc chưa có sự nhận thức đúng. SV phải được hướng dẫn cụ thể nội dung học ở nhà chứ không chỉ chung chung, bởi theo quy chế một tín chỉ phải có 30 giờ tự học của SV. Nếu làm được điều này thì sẽ giải quyết được việc học gì trên lớp sẽ thi cái đó như hiện nay", ông Dũng nói. Dù học niên chế hay tín chỉ thì cũng phải lấy người học làm trung tâm, xem đó là một cách tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau như thảo luận, học nhóm, thậm chí cả đọc-chép… Riêng với SV, quan trọng nhất là phải hết sức chủ động, biết cách tự đánh giá khả năng học tập của mình để có sự lựa chọn môn học phù hợp.
Hà Ánh
|
Tuệ Nguyễn